3 nhà mạng lớn nhất tại Việt Nam là Viettel, Vina và Mobi thì hiện tại đã có Viettel chính thức thử nghiệm công nghệ 4G ở Bà Rịa Vũng Tàu, Vina cũng đang có dự định thử nghiệm 4G tại Phú Quốc, còn Mobi vẫn im lặng chờ đợi điều gì đó.
Hiện tại, thông tin về khách hàng, giá cước sử dụng 4G của Viettel vẫn chưa được công bố. Có vẻ như mục tiêu đợt thử nghiệm này của Viettel nghiêng về khía cạnh kỹ thuật hơn là thương mại. Viettel đã đầu tư gần 200 trạm phát sóng, phủ toàn bộ khu vực dân cư tại Vũng Tàu, Bà Rịa và huyện Long Điền. Nếu tính trên cả nước, Viettel ước đạt 12.000 trạm phát sóng 4G, chậm nhất trong quý I/2016.
Hình ảnh sim 3G Viettel
>>> Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp những USB Dcom 4G tốt nhất và đang bán rất chạy tại VIệt Nam.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho biết tốc độ 4G trung bình của nhà mạng này đạt mức 40-80 Mbps, tối đa có thể lên tới 230 Mbps, tức cao gấp 7-10 lần so với tốc độ 3G.
Về phía VNPT, trao đổi với giới truyền thông, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net, cho biết sẽ thử nghiệm 4G theo hướng thương mại và tiếp nhận phản hồi của người dùng. Đối với công nghệ, toàn bộ trạm cũ đấu nối vào trạm trung tâm của VNPT đều đã đầu tư cáp quang. “VNPT chỉ cần nâng cấp hệ thống thiết bị ở trạm và trung tâm là có thể triển khai ngay 4G”, ông nói.
Thực tế, nếu việc nâng cấp 2G lên 3G là một bước thay đổi quan trọng từ thoại lên dữ liệu và buộc các nhà mạng phải làm lại vùng phủ, mất thời gian chuẩn bị 5-6 năm, thì trong chuyển đổi 3G lên 4G, chủ yếu là phải tăng cường chất lượng để đáp ứng nhu cầu dữ liệu lớn hơn. Vì thế, dự kiến khi 4G chính thức được cấp phép (năm 2016), VNPT sẽ đi thẳng lên LTE-Advance, cho khả năng tải xuống (download) tới 300 Mbps và tải lên (upload) đạt 42 Mbps.
Sim 4G liệu có thay thế được Sim 3G không ?
Sim 4G có nhiều ưu điểm hơn Sim 3G về kết nối và tốc độ truyền tải dữ liệu. Ở mức độ cao nhất, người dùng có thể tải một bộ phim chỉ trong 5-6 giây hay gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây. Kết nối 4G không chỉ dừng lại ở thiết bị di động và cầm tay như hiện nay, mà còn mở rộng đến các lĩnh vực khác như dùng internet ngay trong ôtô đang chạy, nhà ở thông minh, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe, y tế…
Đặc biệt, chỉ cần một kênh, Sim 4G đã có thể truyền video cùng một lúc cho hàng ngàn thiết bị. Nhờ vậy, công nghệ này giúp ích cho những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như truyền hình theo yêu cầu và mở ra cơ hội kinh doanh mới. Theo Tạp chí Digitimes, tại Thái Lan, dịch vụ 3G/4G đã thúc đẩy lượng bán điện thoại thông minh tăng hơn 30%.
Thế giới đã ghi nhận 360 nhà mạng triển khai 4G và gần 456 triệu thuê bao Sim 4G. Ở khu vực Đông Nam Á, dịch vụ Sim 4G đã được phát triển thành công ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan… Riêng tại Việt Nam, các nhà viễn thông tin tưởng tiến lên 4G là xu hướng của tương lai. Tuy nhiên, khả năng 4G có thể đánh bại, thay thế 3G hay không vẫn là ẩn số.
Còn nhớ, Việt Nam cũng từng kỳ vọng vào sự phát triển của 3G. Nhưng chất lượng 3G khi triển khai trong thực tiễn lại không thỏa mãn nhu cầu người dùng. Cụ thể, về lý thuyết, 3G ở Việt Nam có thể đạt tốc độ download lên đến 42 Mbps. Tuy nhiên, tốc độ 3G trung bình tại Việt Nam chỉ ở mức 1,9 Mbps.
Lãnh đạo VNPT đã nhìn ra vướng mắc nằm ở cơ sở hạ tầng, nhưng do vấp phải phản đối của người dân trong việc xây trạm. Thế nên dù công nghệ có, thiết bị có, chất lượng 3G của VNPT vẫn thường gặp trục trặc, bị chậm ở những thời điểm mọi người cùng truy cập internet, xem video.
Đại diện Viettel thì thừa nhận khuyết điểm của Viettel trong triển khai 3G là đã dùng phương pháp cũ ở 2G để tiếp cận khách hàng, cảm giác của người dùng chưa được chú ý đúng mức. Kết quả, lượng thuê bao 3G ở Việt Nam chỉ chiếm 30% tổng số khách hàng, thấp đáng kể so với con số trung bình 45% ở các nước Đông Nam Á khác.
Tốc độ truyền tải và đặc biệt là giá luôn là yếu tố thu hút sự quan tâm, ảnh hưởng lớn đến quyết định của người dùng. Nhưng những gì đã xảy với 3G khiến người dùng Việt Nam e ngại về viễn cảnh tương tự sẽ đến với 4G. Thực tế, như New Zealand, Singapore và Romania (tốp 3 nước có tốc độ download 4G nhanh nhất thế giới) cũng chỉ dừng ở mức 36 Mbps, 33 Mbps và 30 Mbps vào tháng 9.2015, theo OpenSignal, dù tốc độ download lý thuyết lên đến vài trăm Mbps.
Về mức giá, Viettel cho biết chỉ áp dụng một loại giá cước dữ liệu, không phân biệt 3G hay 4G. Ðây cũng là khẳng định của VNPT. Nhưng với tốc độ tải dữ liệu đã tăng gấp nhiều lần so với 3G, người dùng 4G sẽ buộc phải sử dụng dung lượng nhiều hơn, mau hết hơn. Vì thế, ai mua gói dung lượng thấp sẽ phải mua thêm hoặc mua gói lớn hơn. Dự kiến, người dùng 4G mỗi tháng sẽ phải bỏ ra số tiền lớn hơn so với 3G.
Giá cước 3G đang áp dụng phổ biến ở Việt Nam là 70.000 đồng/tháng cho gói 600 MB. Cho dù giá 4G bằng với 3G thì khi người dùng chọn gói dung lượng 2 GB với mức giá tối thiểu đang được các nước áp dụng cho gói 4G, ước tính chi phí ít nhất là 200.000 đồng/tháng.
Đáng nói, dung lượng 2 GB chỉ phù hợp cho các hoạt động trực tuyến đơn giản như lướt mạng, kiểm tra email, vào mạng xã hội… Bởi theo một nghiên cứu của Nielsen, riêng hệ điều hành Android trung bình “ngốn” một lượng dữ liệu khoảng 583 MB/tháng. Hay mỗi lần tải ảnh lên Facebook, Twitter cũng tốn vài MB. Cộng dồn hằng tháng thì đó sẽ là một con số đáng kể. Trong trường hợp khách hàng muốn nghe nhạc và xem phim trực tuyến hay chơi game, tiêu tốn dung lượng còn khủng khiếp hơn. Đã có người xài tới 5 GB khi xem một bộ phim khoảng 2 tiếng qua mạng 4G của hãng Verizon (Mỹ).
Cũng vì đặc điểm này mà các nhà mạng ở Việt Nam vẫn khá ưu tư về khả năng đón nhận 4G. So về mức thu nhập và nhiều khoản cần chi trả của người Việt Nam, bỏ ra khoảng 5-10% thu nhập mỗi tháng cho 4G là không ít.
Đặc biệt, nếu so với giá wi-fi chỉ khoảng 250.000-350.000 đồng/tháng và không giới hạn dung lượng, 4G rõ ràng yếu thế hơn. Wi-fi lại đang được phủ sóng rộng khắp, nên khi sử dụng các dịch vụ đòi hỏi dung lượng lớn như xem phim trực tuyến, nghe nhạc, trò chơi hay tải ứng dụng, khách hàng vẫn ưu tiên sử dụng wi-fi.
Trở ngại trong triển khai 4G còn nằm ở thiết bị hỗ trợ. Số thiết bị hỗ trợ sử dụng 4G bán ra tại Việt Nam mới đạt khoảng 4 triệu chiếc và chủ yếu là các dòng smartphone cao cấp. Tính ra, chỉ khoảng 20-30% người dùng Việt Nam hiện có thiết bị phù hợp với 4G.
Riêng những người dùng thiết bị của Apple (iPhone, iPad) sẽ chưa thể sử dụng 4G, do Apple có chính sách riêng và các nhà mạng Việt Nam đang trong thời gian thử nghiệm nên chưa làm việc với hãng này. Ngoài ra, khách hàng của Viettel muốn chuyển sang sử dụng 4G sẽ bắt buộc phải đổi SIM. Trước mắt, Viettel đang miễn phí đổi SIM nhưng về lâu dài, có thể khách hàng sẽ phải chi tiền cho việc này.